Câu hỏi: Thưa Luật sư, tôi tên T, đã ly hôn với chồng là anh B và chúng tôi có hai con trai. Hiện tại, con trai lớn đang sống với ba, còn con trai nhỏ sống với tôi. Khi làm thủ tục ly hôn, chúng tôi đã thỏa thuận mỗi tuần tôi sẽ đến thăm con trai lớn hai lần và không yêu cầu chu cấp. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, mỗi lần tôi đến thăm con thì anh B thường đuổi về hoặc chỉ cho 30 phút nói chuyện với con. Anh B còn nói rằng vì tôi không chu cấp nên không được quyền thăm con. Vậy tôi muốn hỏi, nếu không chu cấp, tôi có được quyền thăm con hay không? Cảm ơn Luật sư.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, đội ngũ chuyên viên pháp lý sẽ trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Thứ nhất, xác định người không chu cấp có bị hạn chế quyền nuôi con không?
Căn cứ khoản 3 điều 82 Luật Hôn Nhân và Gia Đình năm 2014 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không được ai cản trở.
Thứ hai, trường hợp nào bị hạn chế quyền nuôi con?
Căn cứ đoạn 2 khoản 3 điều 82 Luật Hôn Nhân và Gia Đình năm 2014 quy định trường hợp chứng minh được người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu tới việc nuôi dưỡng, giáo dục thì người nuôi trực tiếp có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), cha/mẹ sau khi ly hôn sẽ bị hạn chế thăm nom chăm sóc con khi:
- Bị kết án khi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng con.
- Phá hoại tài sản của con cái.
- Có lối sống đồi trụy
- Xúi giục/ép buộc con thực hiện hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Do đó, cha/mẹ không trực tiếp nuôi sẽ chỉ bị hạn chế quyền nuôi con khi lạm dụng việc thăm con làm ảnh hưởng xấu tới con cái và người trực tiếp nuôi, lạm dụng việc thăm con cản trở người trực tiếp nuôi nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người đó
Thứ ba, hạn chế quyền thăm con không đúng quy định pháp luật, sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hành vi ngăn cản quyền thăm nom và chăm sóc con giữa cha mẹ và con cái sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Trong trường hợp của bạn, việc anh B ngăn cản quyền thăm con với lý do bạn không trực tiếp nuôi con là không phù hợp với quy định pháp luật. Bạn hoàn toàn có quyền thăm con để chăm sóc, giáo dục và chia sẻ với con mà không bị hạn chế, trừ khi bạn thuộc những trường hợp bị hạn chế quyền thăm nom như đã nêu trên. Nếu anh B tiếp tục cản trở, bạn có thể yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ ngay số Hottline của Văn phòng Luật sư An Nghiệp để được đội ngũ Luật sư hoặc đội ngũ chuyên viên pháp lý tư vấn trực tiếp. Trân trọng cảm ơn!