Sau khi nghiên cứu và phân tích, văn phòng Luật sư An Nghiệp nhận thấy những điểm mới nổi bật như sau:
Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo hoặc phải thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; đương sự bị tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc các trở ngại khách quan khác theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật dân sự.
Quy định rõ ràng hơn về các trường hợp được coi là "trở ngại khách quan" như chậm cung cấp bản án/quyết định, lỗi không do đương sự gây ra. Đòi hỏi chứng minh cụ thể bằng tài liệu và chứng cứ.
" 4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Đối với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động thì Chấp hành viên chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan nếu đương sự yêu cầu.
Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào văn bản thỏa thuận.”.
Chấp hành viên được chứng kiến thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan nếu đương sự yêu cầu trong trường hợp thỏa thuận giao quyền sử dụng đất, giao nhà, tài sản gắn liền với đất; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động
“7. Khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có thể xác minh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật. Kết quả xác minh là một trong những căn cứ để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”.
Hiện đại hoá quy trình thi hành án một cách nhanh chóng so với phương pháp thủ công
“1. Việc thông báo về thi hành án theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42 của Luật Thi hành án dân sự được thực hiện lần đầu. Trường hợp người được thông báo đồng ý thì từ lần thông báo thứ hai trở đi, cơ quan thi hành án dân sự có thể thực hiện thông báo qua VNeID hoặc Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Nếu người được thông báo không đồng ý về hình thức thông báo từ lần thứ hai trở đi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thông báo theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện như sau:
a) Do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo;
b) Do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo.”.
Trước đây, việc thông báo sẽ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cục thi hành án dân sự để xác nhận, gây tốn rất nhiều thời gian trong việc di chuyển, lưu trú và xem xét tiến độ thi hành án dân sự. Việc thông báo qua VNeID giúp hạn chế phần nào những vấn đề trên và dễ theo dõi tiến độ đã được thực hiện và được thực hiện thông qua lần thứ hai trở đi khi người được thông báo đồng ý.
“5. Việc xử lý chứng khoán đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán được thực hiện như sau:
a) Chấp hành viên ra quyết định phong tỏa chứng khoán gửi Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (sau đây được viết tắt là VSDC) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chấp hành viên, VSDC thực hiện phong tỏa chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và thành viên lưu ký.
Quyết định phong tỏa chứng khoán gồm những nội dung sau: nội dung yêu cầu phong tỏa chứng khoán; họ và tên, số và ngày cấp chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đối với cá nhân; tên, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương đối với pháp nhân; mã chứng khoán và số lượng chứng khoán đề nghị phong tỏa.
b) Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được thông báo hợp lệ quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý chứng khoán, đương sự được thỏa thuận về việc bán chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự về việc thỏa thuận đó.
Hết thời hạn trên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đối với số chứng khoán đã nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, VSDC phải thực hiện việc chuyển chứng khoán. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc chuyển chứng khoán, Chấp hành viên thực hiện việc bán theo thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Chấp hành viên thực hiện bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án thì ngay sau khi ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, cơ quan thi hành án dân sự ban hành văn bản yêu cầu VSDC chuyển chứng khoán đã kê biên sang cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện việc bán chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá tham chiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
6. Việc xử lý chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch và đã đăng ký tập trung tại VSDC hoặc đang niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không bán được theo quy định tại khoản 5 Điều này, Chấp hành viên thực hiện phong tỏa theo quy định tại Điều 67 của Luật Thi hành án dân sự; ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục định giá, bán chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Sau khi bán chứng khoán, cơ quan thi hành án dân sự gửi văn bản yêu cầu VSDC thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho người mua theo quy định của pháp luật.
7. Việc xử lý chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp không thuộc quy định khoản 5, khoản 6 Điều này và giấy tờ có giá thì Chấp hành viên kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 71, Điều 83, Điều 92, Điều 98, Điều 99, Điều 101 và quy định khác của Luật Thi hành án dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Khi ra quyết định kê biên, Chấp hành viên đồng thời ban hành văn bản thông báo về việc kê biên tài sản đó cho doanh nghiệp nơi người phải thi hành án góp vốn và các cơ quan, tổ chức có liên quan để ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự.
8. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì Chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan thông báo ngay cho cơ quan thi hành án dân sự khi phát sinh các giao dịch đối với tài sản đó để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.”.
Trước đây việc xử lý tài sản dạng chứng khoán chưa được quy định cụ thể cũng như gặp nhiều hạn chế khó khăn trong việc thi hành, việc bổ sung tập trung vào việc điều chỉnh, cụ thể hóa các biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế và phối hợp các cơ quan liên ngành để thi hành án dân sự liên quan đến chứng khoán, cổ phần, phần vốn góp, và các tài sản có giá trị khác.
Như vậy, qua bài viết trên chúng tôi đã phân tích nghiên cứu về những điểm nổi bật của Nghị định số 152/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ . Nếu có bất kì vướng mắc liên quan tới các vẫn đề trong lĩnh vực trên hãy liên hệ ngay với Luật An Nghiệp qua số Hottline bên dưới để được đội ngũ Luật sư hỗ trợ giải đáp trực tuyến 24/7.